Hot mom 8x chia sẻ tất tật bí quyết từ A-Z để làm bánh Trung thu hoàn hảo
Trọn bộ bí quyết để giúp bạn có mẻ bánh Trung thu tự làm thành công ngay từ lần đầu.
A - NHÂN BÁNH
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200gr
- Muối: 1gr
- Đường cát: 100gr
- Dầu dừa: 45gr
- Bột 11: 25gr
- Bột bánh dẻo: 5gr
Cách làm:
Luộc hạt sen
Rửa sạch hạt sen rồi cho vào nồi cùng với muối, đổ nước vào nấu ở lửa vừa đến khi hạt sen mềm nhũn rồi cho đường vào nấu đến khi đường tan
Xay nhuyễn hạt sen
Cho hạt sen đã nấu mềm vào máy xay sinh tố, cho thêm nước lọc như hình mẫu rồi xay nhuyễn.
Sên nhân
Rây hạt sen đã xay nhuyễn vào chảo không dính rồi đảo đều tay đến khi hạt sen nóng lên
Cho từ từ 15gr dầu dừa vào đảo, chia làm 3 lần cho, khi thấy dầu đã quyện đều vào hạt sen rồi thì mới cho tiếp.
Cho bột mì và bột bánh dẻo vào chén, cho tiếp 30gr dầu dừa còn lại vào trộn đều đến khi hỗn hợp mịn mượt hoàn toàn. LƯU Ý: Cho bột vào một lần duy nhất là trộn liền tay đến khi bột và dầu mịn mượt, không cho từ từ để tránh bột kết dính đặc kẹo lại. Cuối cùng cho hỗn hợp bột dầu này vào chảo nhân đảo tiếp đến khi nhân sánh đặc lại.
Sên nhân
Lúc này hạ lửa nhỏ đảo liên tục đến khi nhân tạo thành khối dẻo không dính tay như hình mẫu. Các bạn có thể vo thử 1 cục thấy nhân đứng không bị xệ xuống là đạt. Tổng thời gian từ lúc bắt đầu bắc chảo nhân lên bếp đến lúc sên nhân đạt chuẩn là khoảng 50 phút.
B – NƯỚNG TRỨNG MUỐI:
Nguyên liệu:
- 11 lòng đỏ trứng muối
- 1/2 chén rượu mai quế lộ
- 1/2 chén hỗn hợp dầu đậu nành + dầu mè
Cách làm:
Sơ chế trứng
Rửa lòng đỏ trứng muối dưới vòi nước cho sạch hết lòng trắng bám bên ngoài.
Tiếp đến ngâm từng lòng đỏ vào rượu mai quế lộ khoảng 20 giây/ lòng đỏ để khử mùi tanh và giúp trứng thơm hơn.
Nướng trứng
Xếp trứng lên khay nướng (có lót sẵn giấy bạc) rồi phết hỗn hợp dầu lên từng lòng đỏ.
Cuối cùng đem nướng ở nhiệt độ 150 độ từ 7 phút - 10 phút, tùy theo thích ăn trứng dẻo mềm hay trứng khô bở mà tăng thời gian nướng lên, càng nướng lâu trứng càng khô bở.
Trứng sau khi nướng để nguội rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh đến khi đông lại, việc làm này giúp trứng giữ nguyên hình dạng tròn khi đóng bánh.
C - VỎ BÁNH
Nguyên liệu:
- Nước đường bánh nướng: 95gr.
- Lòng đỏ: 1 cái
- Bơ đậu phộng: 5gr
- Dầu ăn: 20gr
- Bột mì đa dụng: 150gr
- Hỗn hợp quét mặt: 1/4 lòng đỏ + 1 giọt nước màu dừa + nước lọc
Cách làm:
Trộn hỗn hợp nước đường
Cho nước đường, lòng đỏ, bơ đậu phộng và dầu ăn vào 1 thau lớn rồi khuấy đều, để sang một bên. LƯU Ý: Phải khuấy cho đến khi nào bơ đậu phộng hòa tan hoàn toàn vào hỗn hợp thì vỏ bánh nướng ra sẽ không bị đốm vàng. Trong công thức vỏ bánh này Trang không dùng baking soda do qua nhiều lần nướng bánh, Trang thấy vỏ bánh có baking soda thường nổi những đốm đỏ li ti không đẹp mắt.
Nhồi bột
Rây bột mì vào thau hỗn hợp nước đường, dùng phới dẹt trộn sơ cho bột và hỗn hợp nước đường quyện vào nhau, sau đó đeo bao tay nilon vào nhồi đến khi bột kết dính vào nhau thành khối, sờ vào bột cảm giác hơi mềm ướt, có thể còn dính bao tay chút xíu là đạt.
Lấy màng bọc thực phẩm bọc cục bột lại, cho bột nghỉ 50 phút rồi mới đóng bánh, bột sau khi nghỉ đủ thời gian sẽ cứng cáp hơn.
Lưu ý phần nhồi bột:
- Tùy bột cũ mới mà độ hút nước khác nhau (bột mới thì khả năng hút nước kém hơn bột cũ) nên trước mắt cứ cho đúng theo công thức, trong quá trình nhồi thì quan sát, nếu thấy bột hơi bở, không dính vào nhau thì thêm chút nước đường hoặc nước lọc tùy thích, tầm 2gr một lần là đủ, nhồi xong chưa đạt thì thêm tiếp. Nếu thấy bột ướt thì cho thêm bột mì vì bột mềm ướt quá đóng bánh cũng khó và nướng bánh sẽ bị mất nét. Nói chung bước nhồi bột này cũng cần một chút kinh nghiệm để cảm nhận được bột thế nào là đạt, các bạn làm hai đến ba mẻ bánh là bản thân sẽ tự rút được kinh nghiệm cảm bột ngay thôi.
- Không nhồi bột quá lâu để tránh bột bị chai, đóng bánh cũng sẽ bị mất nét.
- Phải cho bột nghỉ đủ thời gian trước khi đóng bánh để vỏ bánh không bị nứt khi nướng và dáng bánh cứng cáp.
Chia bột
Chia theo nguyên tắc 1 vỏ 2 nhân. Ví dụ: bánh 150gr thì 50 vỏ = 100 nhân, bánh 75gr thì 25 vỏ =70 nhân. Số lượng nguyên liệu trong công thức này đủ để đóng 11 bánh 75gr.
Cân nhân xong thì vo tròn, áo một lớp bột lên từng viên nhân rồi để sang một bên. Nếu muốn ăn kèm trứng muối thì ấn đè trứng muối vào cục nhân sao cho trứng nằm lọt vào nhân rồi miết kín mép nhân lại.
Chia bột
Cân bột xong thì nhồi sơ vài cái từng phần bột đã chia tiếp theo vo tròn bột vỏ rồi để sang một bên. Việc nhồi sơ bột này giúp bột mềm dẻo lại, đóng bánh sẽ dễ hơn.
D - ĐÓNG BÁNH:
Bước 1
Phủ bột chống dính lên bàn, cán mỏng vỏ bánh, đặt cục nhân vào giữa rồi cũng bọc vỏ bánh lại và miết kín mép vỏ, sau đó vo tròn đến khi nào các mép nối liền lại không còn vết nào là đạt. Ở bước này, nếu bột nhồi đạt (không quá khô, không quá ướt) thì thao tác sẽ rất dễ, sau khi dính các mép bột lại rồi thì vo tròn, càng vo dầu sẽ tiết ra làm bóng vỏ và làm liền các mép nối rất nhanh chóng.
Bước 2
Áo một lớp bột chống dính mỏng trong lòng khuôn rồi cho viên bánh vào, tiếp tục ấn đè để viên bánh áp sát vào khuôn, sau đó úp khuôn xuống rồi ấn dứt khoát và nhẹ nhàng lấy bánh ra. Cứ vậy cho đến hết.
Dùng tăm xâm thành bánh để không bị phồng thành bánh trong lúc nướng.
LƯU Ý: Bước này chỉ làm khi kỹ thuật bọc bánh của các bạn chưa tốt. Nếu các bạn bọc bánh tốt, bột và nhân được áp sát nhau thì không cần làm bước này, thành bánh ra lò cũng sẽ đẹp hơn.
E - NƯỚNG BÁNH:
- Lần 1: Nướng bánh ở rãnh giữa lò, nhiệt 190 độ trong 10 phút - 12 phút hoặc quan sát thấy bánh đục thì lấy bánh ra lò, để bánh nguội tự nhiên, có thể phơi quạt cho bánh nhanh nguội. Sau khi vỏ bánh nguội hẳn thì quét mặt bánh một lần duy nhất (không quét thành bánh). Lưu ý: Nên dùng khay lỗ không có viền xung quanh và lót giấy nến để thành và đáy bánh được chín đẹp. Lúc quét mặt không để bọt khí đọng lại và chỉ quét một lớp vô cùng mỏng để mặt bánh được đẹp, không bị mất nét. Không nướng nhiệt quá cao (>200 độ C) vì nhiệt độ cao sẽ làm bánh bị phồng lên cũng dẫn đến mất nét.
- Lần 2: 190 độ trong 8 phút - 10 phút, sau đó lấy bánh ra, chờ bánh nguội hoàn toàn thì nướng tiếp lần 3. LƯU Ý: Trang chỉ quét mặt bánh 1 lần, vừa không tốn nhiều thời gian mà bánh vẫn lên màu đẹp. Việc quét mặt nhiều lần và quét lớp dày cũng là một trong những nguyên nhân khiến bánh bị rít tay sau khi ra lò vài ngày. Các bạn chỉ cần làm theo Trang hướng dẫn sẽ khắc phục được nhược điểm rất phổ biến của dòng bánh Trung thu handmade này.
- Lần 3: 190 độ trong 8 phút - 10 phút.
- Lần 4: Sau khi nướng xong lần 3 thì lấy bánh ra ngoài cho nguội bớt, hạ nhiệt độ xuống còn 100 độ và đưa bánh vào lò sấy trong 20 phút. Việc làm này giúp bánh được khô ráo, bảo quản bánh được lâu hơn và bánh không bị rít tay sau khi ra lò.
F - BẢO QUẢN BÁNH:
- Bánh nướng sau 1 ngày sẽ tươm dầu ra làm vỏ bánh bóng và lên màu rất đẹp.
- Bánh để nguội hoàn toàn rồi bỏ vào hộp kín kèm 1 gói hút ẩm.
- Do bánh được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản và đặc biệt là ít ngọt nên phải ăn hết trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra lò nếu để bánh ở nhiệt độ phòng. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì hạn sử dụng lên đến 7 ngày, bánh ăn lạnh cũng rất ngon, vỏ bánh không bị cứng chút nào.
Theo Phương Trang (MASK)