Nếm đủ các món nức tiếng An Giang mùa nước nổi

02/11/2018 09:30

Canh chua cá linh bông điên điển, gà hấp lá trúc, cơm tấm Long Xuyên, bánh bò rễ tre, bún cá Châu Đốc là những món ăn nức tiếng mà bạn nhất định nên thử khi vi vu An Giang vào mùa nước nổi.

Canh chua cá linh bông điên điển

Đây là món ăn đặc sản của miền Tây mùa nước nổi mà bất kỳ du khách nào đến An Giang cũng đều muốn thưởng thức, gồm cá linh và bông điên điển. Cá linh là loài cá nhỏ nhưng ăn rất thơm ngon và thường dùng để làm mắm, nấu lẩu, chiên giòn và đặc biệt có thể kể đến món canh chua.

Nếm đủ các món nức tiếng An Giang mùa nước nổi
Nguyên liệu để làm món canh chua cá linh bông điên điển. Ảnh: I.T

Cá linh sau khi làm sạch cho vào nồi nước me chua nấu. Đợi nước sôi rồi tiếp tục các nguyên liệu như giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và bông điên điển vào nồi, nêm nếm gia vì rồi nhắc xuống. Món canh chua cá linh hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt thanh kèm chút beo béo của cá linh non, nước canh chua cùng với mùi thơm từ các loại rau nêm khiến bạn ăn mãi không thấy ngán.

Gà hấp lá trúc

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút.

Thịt gà vừa chín tới chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt. 

Bánh bò rễ tre

Bánh bò là một loại bánh quen thuộc nhưng bánh bò rễ tre thì chỉ ở An Giang mới có. Sở dĩ có tên gọi là bánh bò rễ tre vì khi cắt ngang miếng bánh sẽ hiện ra những ống khí trông y hệt như rễ tre - một đặc điểm mà các loại bánh bò thông thường không có. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh, bánh càng có nhiều “ống tre” thì sẽ càng ngon.

Bánh có vị béo của nước cốt dừa, ngọt thanh của đường thốt nốt và vị nồng của bột lên men. Bánh bò rễ tre thường có màu vàng mật ong trông rất đẹp mắt.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui là một món ăn đặc sản của Châu Đốc nói riêng và của vùng Tây Nam Bộ nói chung. Cá lóc dùng nướng trui phải là loại cá lóc đồng, thật tươi và đem rửa cho sạch bùn nhớt. Sau đó, người ta xuyên một que tre qua thân cá (không cần đánh vảy hay làm ruột) rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt.

Nếm đủ các món nức tiếng An Giang mùa nước nổi - 1
Cá lóc nướng trui là món ăn trứ danh ở miền Tây. Ảnh: I.T

Nướng cá phải chín vừa phải, sao cho vảy cá cháy đều nhưng không làm khét thịt cá. Khi cá vừa chín tới, phần vảy cá cháy được cạo bớt và trút ra khỏi que tre rồi thưởng thức.

Cá lóc nướng trui ngon khi chín đều sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Ăn kèm là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn… chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me.

Cơm tấm Long Xuyên

Nếu kể về các thành phần, cơm tấm ở đây khá đơn giản khi không có nhiều nguyên liệu ăn kèm, một đĩa cơm tấm đầy đủ chỉ có sườn, trứng, bì và đồ chua. Chỉ đơn giản là thế nhưng chính nhờ quá trình tẩm ướp nguyên liệu cũng như cách trình bày, món ăn đã tạo nên một sức hút riêng.

Bún cá Châu Đốc

Bún cá là món ăn khá nổi tiếng ở nhiều vùng như bún cá Cà Mau, bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang… Trong số đó bún cá Châu Đốc nổi tiếng hơn cả vì gần như giữ được trọn vẹn hương vị nguyên sơ của bún cá (vốn có nguồn gốc từ Campuchia).

Nước lèo món bún cá Châu Đốc được ninh từ xương heo, nêm thêm mắm cá linh, mắm ruốc để tạo nên hương vị độc đáo. Phần cá phải là cá lóc, luộc chín rồi xào sơ qua với nghệ để giảm mùi tanh, tăng hương vị cho món bún cá. Món bún cá  được ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối và bông điên điển, rất đặc trưng miền Tây.

Mắm Châu Đốc

Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là "vương quốc mắm" nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mekong nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.

Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặc trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.

Tung lò mò

Tung lò mò hay còn gọi là lạp xưởng bò - một món ăn truyền thống của người Chăm (là những người theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn).

Để làm món tung lò mò, bạn cần có ruột bò, thịt bò, mỡ bò và nhiều gia vị khác như tiêu, tỏi… để làm gia tăng hương vị cho từng khúc lạp xưởng. Món lạp xưởng bò thường được nướng hoặc chiên để ăn kèm với cơm rất ngon, thậm chí làm mồi nhậu cũng rất “bắt”.

Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang)... Gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia, dùng như một món rau trong bữa cơm hàng ngày. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam.

Món gỏi này được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Nếu có khách xa tới chơi, ngoài những món đặc sản miền Tây trứ danh như canh chua điên điển, cá linh... dân Châu Đốc còn ra vườn hái nắm lá sầu đâu non để làm món gỏi lạ miệng đãi khách.

Lẩu mắm

Lẩu mắm là một trong những đặc sản của người miền Tây. Và món lẩu chỉ thực sự ngon khi nước lẩu được chế biến từ mắm cá linh hay mắm cá sặc Châu Đốc, An Giang.

Nếm đủ các món nức tiếng An Giang mùa nước nổi - 2
Lẩu mắm đốn tim rất nhiều thực khách khi tới An Giang. Ảnh: I.T

Nước lẩu được nấu từ xương heo kết hợp cùng mắm linh hoặc mắm sặc, sau đó thêm vào ít nấm rơm, cà tím để gia tăng hương vị. Những nguyên liệu ăn lẩu mắm thường là thịt ba rọi, tép bạc, cá basa, lươn, thịt bò, ốc bươu... tạo thành một nồi lẩu thập cẩm, đậm đà hương vị. Đặc biệt, món lẩu mắm không thể thiếu rau sống ăn kèm là các loại bông điên điển, bông so đũa, lục bình… của miền Tây dân dã.

Chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng nướng muối ớt là một trong những món ăn ngon hết sảy của người miền Tây. Loại chuột dùng để ăn thịt là chuột đồng, quanh năm ăn lúa nên chắc thịt, thịt béo và rất ngọt. 

Thịt chuột khi làm sạch sẽ đem ướp với muối, sả, ớt và các loại gia vị khác trong khoảng 30 phút cho thịt ngấm đều rồi cho lên bếp than nướng. Khi thịt chín sẽ có mùi thơm phức, miếng thịt săn lại và có màu vàng ruộm trông rất bắt mắt. Xé từng miếng thịt nóng hổi, chấm muối tiêu chanh và nhâm nhi vài ly rượu đế quả thì không có cao lương mĩ vị nào có thể sánh bằng.

Theo Hoài Thanh (Dân Việt)

Tin mới

Du lịch

Đà Lạt vừa có ngôi làng thu nhỏ châu Âu mới cực hợp để ghé thăm mùa đông này!

26/10 15:34

Nếu chưa có kế hoạch nào cho những tháng cuối năm thì xin mời, Đà Lạt tiếp tục chào đón bạn bằng một địa điểm cực đẹp, cực hút mắt đây!

15 ngôi làng đẹp như bước ra từ cổ tích với kiến trúc độc đáo cùng phong cảnh hữu tình

Du lịch 19/09 15:26

Nếu có cơ hội đặt chân đến những ngôi làng này, hẳn là bạn sẽ nghĩ mình đang chìm trong giấc mơ ngọt ngào như thế giới của cổ tích.

Được quan tâm